Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Thánh Địa Đức Mẹ La Vang – Nơi Đức Mẹ Maria hiển linh

Thánh Địa Đức Mẹ La Vang – Nơi Đức Mẹ Maria hiển linh

Thánh Địa Đức Mẹ La Vang là Địa điểm hành hương nổi tiếng tại Quảng Trị. Thánh Địa Đức Mẹ La Vang hay còn gọi là Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang (tên khác: Nhà thờ La Vang) là tên gọi mà giáo dân Công giáo Việt Nam đề cập đến sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra trong một thời kỳ mà đạo Công giáo bị bắt bớ tại Việt Nam.

Đức Mẹ La Vang tọa lạc ở đường Lê Lợi, Hải Phú, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Đây là một trung tâm hành hương Công giáo lớn nhất Việt Nam, và nằm giữa chung quanh đại ngàn hùng vĩ.

Xin mời anh chị em cùng WikiLand tìm hiểu về Đức Mẹ La Vang

La Vang thời các chúa Nguyễn vào Nam nằm trong khu vực gọi là Dinh Cát (dinh xây trên cát), cách thành Dinh Cát 10 cây số về hướng Nam. Đời vua Gia Long, tỉnh thành được dời vào Quảng Trị và La Vang chỉ còn cách tỉnh thành Quảng Trị 6 cây số cùng về hướng Nam. Nhưng La Vang bấy giờ chỉ lá một thôn xóm hẻo lánh nằm mất hút trong rừng già Trường Sơn, cây cối chằng chịt, núi đồi hoang vu, rừng thiêng nước độc và nhất là đầy cọp beo thú dữ.

Thánh Địa Đức Mẹ La Vang - Nơi Đức Mẹ Maria hiển linh
Thánh Địa Đức Mẹ La Vang – Nơi Đức Mẹ Maria hiển linh

La Vang từ thế kỷ XVII đã là đất khẩn hoang của làng Cổ Vưu, vì thế đa số cư dân nơi đây là người Cổ Vưu. Ngày thường La Vang chỉ là nơi người ta “đi rú ” (trồng khoai, cấy lúa, trỉa bắp, chặt cây, đốn gỗ, bẫy thú…), nhưng trong cấm cách bách hại thì La Vang trở thành nơi ẩn náu cho những người công giáo trung kiên, như trong cuộc bách hại vào năm 1798.

Năm 1798, triều đình Tây Sơn Cảnh Thịnh bị lung lay trước sức tấn công vũ bão từ miền Nam ra tận đèo Hải Vân của Nguyễn Ánh. Trong cơn hoảng loạn, để báo thù Đức cha Bá Đa Lộc đã giúp họ Nguyễn, đồng thời khủng bố giáo dân mà triều đình luôn cho là kẻ nội ứng, vua Cảnh Thịnh đã ra chỉ dụ cấm đạo.

Cuộc bắt đạo diễn ra chớp nhoáng, dã man và tàn ác khiến giáo dân trở tay không kịp, nhất là trong địa bàn hai tĩnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Tại họ đạo Cổ Vưu nói riêng, vùng Dinh Cát nói chung có hàng trăm người bị giết, hàng ngàn người bị xô vào ngục thất, hàng ngàn người khác bỏ nhà bỏ cửa ra đi tìm nơi lánh nạn. Một số ít trong họ đã đến được La Vang, ẩn trú trong các chòi tranh, gốc cây, lùm bụi.

Ngày khổ cực đói cơm rách áo, tối hãi hùng vượn hú cọp kêu… Lại bấy giờ đang lúc ôn dịch hoành hành, thuốc men không có, người chết như rạ. Giáo hữu chỉ biết nhìn nhau thương khóc. Thật muôn ngàn cơ cực, trăm bề đắng cay!

Nhưng dù nguy khốn cách mấy thì giáo hữu vẫn một lòng trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ. Vì thế không ai bảo ai, họ tự động ngồi sít lại gần nhau, dưới đám cỏ gần gốc cây đa, tay mân mê tràng chuỗi và những lời kinh đồng thanh vang lên, hòa trong màn đêm rùng rợn, gió buốt từng cơn, đêm này đến khác, lời kinh như lời kêu khóc bi ai não ruột thấu tận trời xanh như muốn kéo Mẹ thiên đình xuống cõi trần gian.

Thế rồi một hôm, theo lời truyền tụng, trong khi giáo hữu đang đọc kinh cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra rực rỡ tươi đẹp vô ngần. Người mặc áo choàng rộng, tay ẵm Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần hầu cận. Đức Mẹ hiện xuống đứng trên đám cỏ gần gốc cây đa, nơi giáo hữu đang cầu nguyện. Đức Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các giáo hữu vui lòng chịu khổ, dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh.

Đức Mẹ còn phán hứa rằng: “Các con hãy tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.”

Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần như vậy. Đó là điếu các tiền nhân loan truyền lại cho đến ngày nay

  • Thời điểm Đức Mẹ Maria hiển linh tại La Vang

Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang cho tới nay, hơn hai thế kỷ, chưa có bằng chứng cụ thể và khoa học để xác định được thời điểm. Tất cả những hiểu biết chỉ dựa vào truyền khẩu rồi dùng phương pháp chứng minh loại suy hay lý luận lịch sử để tìm về căn cơ, ngọn nguồn.

Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn khi nói về Đức Mẹ La Vang cũng khẳng định như sau:

“Sự tích về La Vang chúng tôi có biết được ít nhiều thì bởi truyền khẩu thư. Những điều truyền khẩu về Đức Mẹ La Vang thật hư thế nào mặc ai tự nghĩ. Chúng tôi chỉ luận chung rằng: Có tích mới dịch ra tuồng. Nay việc La Vang đã ra như một tuồng lớn lao thế này, lẽ nào mà là một việc vô tang tích…”

Theo sử liệu, đồng bào lương giáo tại Cổ Vưu mưu sinh bằng nghề đi rừng (lấy gỗ, bẫy dã thú) và nghề nông. Để tăng gia diện tích canh tác, đồng bào Cổ Vưu phá một khu rừng để trồng khoai sắn và cấy lúa.

Diện tích canh tác và hoa mầu gia tăng, một số người dựng lều tại khu tân khai này để coi hoa mầu khỏi bị thú rừng phá hoại.

Khi diện tích khẩn hoang canh tác và người tới ngụ tại đó tăng thêm nhiều, dân cư xin đăng bộ nhập hộ, lập phường, mà vì tại đây có nhiều cây lá vằng, nên lấy tên là Phường Lá Vằng, sau đổi là La Vang.

Theo nhiều tác phẩm về Đức Mẹ hiện ra tại La Vang thì năm 1798, cao điểm của biến cố hãi hùng đến với các tín hữu Công Giáo, nhiều người Công Giáo từ Cổ Vưu, Thạch Hãn, v.v. chạy vào ẩn ở La Vang, vì La Vang ở sâu trong rừng xanh núi hiểm.

Thời điểm Đức Mẹ Maria hiển linh tại La VangThời điểm Đức Mẹ Maria hiển linh tại La Vang
Thời điểm Đức Mẹ Maria hiển linh tại La Vang

Trong khi lánh nạn, tối đến bà con tụ nhau cầu nguyện Kinh Mân Côi. Một lần đang khi cầu nguyện Kinh Mân Côi, những người hiện diện bất chợt thấy trong hào quang rực rỡ một Vị Phụ Nữ đẹp tuyệt vời, mặc áo choàng, hiện ra gần một đại thụ.

Các Kitô hữu tại đây nhận ra Vị Phụ Nữ này là Đức Mẹ Maria vì Người bồng Chúa Hài Đồng và có hai thiên thần cầm đèn tháp tùng. Đức Mẹ an ủi những người hiện diện và dạy họ bẻ lá cây quanh đó nấu uống sẽ được lành bệnh.

Đức Mẹ cũng hứa bất cứ ai tới cầu nguyện tại đây sẽ được Đức Mẹ ban ơn phù hộ. Đức Mẹ hiện ra với các tín hữu tại đây nhiều lần trong thời gian này. Đồng bào đến ở La Vang ngày càng đông, và vào những lúc vua quan nới rộng việc bắt đạo, bà con đã dựng một nhà thờ nhỏ dâng kính Đức Mẹ tại nơi Đức Mẹ đã hiện ra.

Tiếc rằng sử liệu về Đức Mẹ hiện ra tại La Vang không được ghi chép đầy đủ, mà hầu hết là truyền khẩu, mãi về sau mới có những vị biết sự tích kể lại dưới hình thức những bài vãn (ca bình dân).

Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (có thể) xảy ra vào tháng Tám hoặc đầu tháng Chín năm 1798, là thời gian mà cuộc bách hại đã xẩy ra một cách gắt gao, dữ dội. Đây cũng là thời gian Thánh Linh Mục Emmanuen Nguyễn Văn Triệu được phúc chết vì Chúa. Ngài bị bắt ngày 8 tháng 8 năm 1798 và tử đạo ngày 17 tháng 9 năm 1798.

Xem thêm: Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp – Một mục tử với nhiều phép lạ

  • Biến cố tử đạo tại La Vang

Theo tài liệu, Đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn (giáo phận Bùi Chu) nói về biến cố tử đạo tại La Vang:

“Ngày 7 tháng 9 năm 1885, đoàn người theo đảng Văn Thân tàn sát và thiêu hủy nhà cửa các tín hữu Công Giáo họ Cổ Vưu. Ngày hôm sau, tức 8 tháng 9, 1885, họ kéo vào La Vang, nhưng dân cư đã chạy trốn lên núi, họ vơ vét tài sản, rồi phóng hỏa đốt hết nhà cửa, nhưng không dám đốt nhà thờ Đức Mẹ, vì họ nghe tiếng Đức Mẹ linh thiêng.

Trưa ngày 9 tháng 9, 1885, một người theo đảng Văn Thân, tên Thơ, con ông Mẹo, thuộc xóm Bốc, làng Phú Long, đến La Vang. Y thấy nhà cửa của các tín hữu đã bị thiêu rụi, nhưng nhà thờ Đức Mẹ còn nguyên vẹn, y liền phóng hỏa đốt rồi bỏ đi.Nhưng không hiểu lý do gì, chiều hôm đó, nhóm Văn Thân, đã tàn sát giáo dân tại Cổ Vưu và đốt nhà cửa các tín hữu tại La Vang, kéo đến bao vây nhà ông Mẹo và đốt hết cả gia trang. Ông Mẹo, tên Thơ và vợ con y đều bị chết thiêu.”

“Ngày 12 tháng 9 năm 1885, một số giáo dân La Vang từ núi trở về, chẳng may ba mươi người bị quân Văn Thân chận bắt và thiêu sát. Trong số này, có ông tên Thoàn đứng ra xin đặc ân là được chết trên nền nhà thờ Đức Mẹ (nhà thờ đã bị đốt), quân Văn Thân thuận cho.

Ông Thoàn và hai mươi chín bạn đồng đạo bị trói thiêu sống trên nền nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Về sau, một số giáo dân La Vang kể lại rằng ít ngày sau khi nhà thờ Đức Mẹ LaVang bị đốt, các giáo dân ẩn trên núi gần đó thấy ban đêm tại nền nhà thờ đèn sáng trưng và nghe tiếng người cầu kinh. Nhà thờ bị đốt, nhưng bàn thờ và mấy chân đèn bằng gỗ chỉ cháy sém thôi.”

“Cuộc bách đạo chấm dứt. Giáo dân La Vang dựng lại nhà thờ Đức Mẹ trên nền cũ, và nhiều lần trùng tu. Ngày 22 tháng 8 năm 1961, thánh đường Đức Mẹ La Vang được Tòa Thánh nâng lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường.

Tại thánh đường Đức Mẹ La Vang, ngày 22 tháng 8 năm 1961, đức tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, tổng giáo phận Huế, sau khi tuyên đọc Sắc Lệnh của Tòa Thánh nâng thánh đường Đức Mẹ La Vang lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường, ngài tuyên bố: ‘Kể từ nay, Vương Cung Thánh Đường và khu vực La Vang là Nhà của Mẹ, đất của Mẹ, là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc.’”

Ngược dòng lịch sử, năm 1901, đức cha Lộc (Gaspar) đã ấn định: Bổn Mạng của thánh đường La Vang là Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Chúng ta nhớ năm 1571, Đức Piô V lập lễ kính Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu vào ngày 24 tháng 5 hằng năm, và thêm vào Kinh Cầu Đức Bà lời nguyện: “Đức Bà phù hộ các giáo hữu, (xin cầu cho chúng con)”.

Nhiều mẫu tượng ảnh Đức Mẹ La Vang được nhiều điêu khắc gia và họa sĩ sáng tác, nhưng năm 1901, giáo quyền Việt Nam đã chính thức chọn hình tượng Đức Mẹ đứng trên mây, hai tay nâng Chúa Hài Đồng đứng trên trái cầu;

Đức Mẹ mặc áo gấm thêu, phảng phất mầu sắc Á Đông. Về sau, nhiều điêu khắc gia và họa sĩ sáng tác tượng và ảnh Đức Mẹ La Vang hoàn toàn Việt Nam, Đức Mẹ mặc y phục Việt Nam, có khăn choàng đầu và trên đầu có vương miện, đang bồng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ mang hài mũi cong và đứng trên trái cầu.

  • Đức Mẹ La Vang, người mẹ hiền của giáo hội Việt Nam

Đức Mẹ La Vang đã hiện diện giữa lòng những người con nơi rừng già Quảng Trị từ hơn hai trăm năm qua.

Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám mục Huế, thời điểm tháng 8 năm 1798 thời vua Cảnh Thịnh là giai đoạn đỉnh điểm của phong trào bách hại người theo đạo Công giáo. Lúc bấy giờ, tín hữu sống gần khu vực đồi Dinh Cát buộc phải lên rừng trú ẩn.

Họ đã chọn lánh nạn tại núi rừng La Vang, chốn rừng thiêng nước độc và sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, vừa thiếu ăn lại lo bệnh tật, sợ quan quân và thậm chí là thú dữ. Trong giai đoạn khó khăn ấy, họ đã phó thác nơi Chúa và Đức Mẹ, và cùng nhau quây quần dưới gốc đa cổ thụ để cầu nguyện, an ủi và hỗ trợ nhau.

Một hôm, trong lúc lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, người dân thấy một người phụ nữ xinh đẹp, người mặc áo choàng, tay bồng trẻ sơ sinh hiện ra gần một đại thụ. Hai bên là thiên thần cầm đèn chầu. Họ lập tức nhận ra đó là Đức Trinh nữ Maria tay bồng Chúa Hài Đồng.

Đức Mẹ Maria hiện ra và tỏ lòng nhân từ, âu yếm, an ủi đàn con qua cảnh ngặt nghèo. Và Mẹ dạy họ lấy lá cây mọc chung quanh nấu lấy nước uống sẽ lành bệnh. Trước khi biến mất giữa làn mây xanh, Mẹ đã ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại nơi đây sẽ được Mẹ ban ơn phù trợ.”

Sau này, Đức Mẹ Maria còn hiện ra để nâng đỡ, an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn của trăm năm bị bách hại về đạo. Dần dà, người dân về nơi La Vang càng đông, và họ đã cùng nhau dựng một nhà thờ nhỏ dâng kính Đức Mẹ ngay chính nơi Mẹ từng hiện ra.

Khi cuộc bách đạo chấm dứt, giáo dân La Vang đã phục dựng nhà thờ Đức Mẹ trên nền cũ. Đến ngày 22/8/1961, Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế Nguyễn Kim Điền đã đọc Sắc Lệnh Tòa Thánh, nâng Thánh đường Đức Mẹ La Vang lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường, và là trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc.

Và vào ngày 15/8/2012, trong ngày diễn ra lễ kính Đức Maria hồn xác lên trời, thì Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Stephano Nguyễn Như Thể đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.

Hình tượng Đức Mẹ La Vang được mô tả đứng trên mây, hai tay nâng Chúa Hài Đồng đứng trên trái cầu. Mẹ mặc áo gấm thuê của văn hóa Á Đông. Sau này, hình tượng Mẹ được sáng tạo theo hướng thuần Việt với y phục truyền thống, đầu đội mấn và vương miện, mang hài mũi cong, đứng trên trái cầu và tay bồng Chúa Hài Đồng.

  • Đức Mẹ La Vang – Chốn nương náu của những người con đất Việt

Giữa núi rừng Quảng Trị quanh năm trời trong đầy nắng, thì Đức Mẹ La Vang vẫn ở đó dõi theo đàn con đất Việt. Là trung tâm hành hương Công giáo lớn nhất Việt Nam, mỗi năm, Linh địa Đức Mẹ La Vang thu hút lượng lớn giáo dân, kể cả những người bên lương quây quần bên Mẹ.

Linh địa Đức Mẹ La Vang tọa lạc trên vùng đất từng là Dinh Cát thời chúa Nguyễn. Ngày nay, nơi Mẹ ngự thuộc địa phận thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, giữa rừng già rậm rạp, cách Thành cổ Quảng Trị tầm 6km, và cách thành phố Huế 60km về phía Bắc.

Đức Mẹ La Vang - Chốn nương náu của những người con đất Việt
Đức Mẹ La Vang – Chốn nương náu của những người con đất Việt

Nơi Mẹ ngự luôn đông đúc giáo dân ghé đến, đặc biệt vào dịp lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời vào ngày 15/8 hàng năm. Mỗi năm, Linh địa Đức Mẹ La Vang sẽ tổ chức đại hội, và đều đặn ba năm sẽ là đại hội lớn nên càng quy tụ trăm ngàn giáo dân từ tứ xứ tìm về.

Đặc biệt, nếu về bên Đức Mẹ La Vang vào những ngày từ 13 đến 15 tháng 8 hàng năm, bạn sẽ được nhìn ngắm khung cảnh hàng hàng lớp lớp người về bên. Thậm chí, họ cùng căng lều, trải bạt ngủ ngay cạnh chân Mẹ và khu vực quảng trường để tham gia các lễ tổ chức cho đến khi cử hành lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời vào tản sáng ngày 15.

Có nhiều cách lý giải nguồn gốc tên gọi La Vang nơi Mẹ ngự. Theo lập luận, thì vốn vùng thôn Phú Hưng là nơi mọc nhiều lá vằng, một loại lá có khả năng nấu nước uống chữa bệnh. Mẹ đã hiện ra và chỉ cho họ lấy lá vằng uống trị bệnh. Dần dà, mọi người đọc lái từ lá vằng sang La Vang, và giữ tên ấy đến tận ngày nay.

Theo giả thuyết thứ hai, thì ‘La Vang’ là cách diễn tả tiếng kêu cứu nếu chẳng may gặp thú dữ. Thời bấy giờ, khi đi rừng, nếu ở lại qua đêm, thì người dân sẽ chia nhau thức canh, nếu thấy nguy hiểm sẽ la ‘la vang’ để mọi người kéo đến, hoặc khi cần gọi nhau thì họ sẽ la lớn vì nơi đây là chốn rừng rậm, nếu nói nhỏ sẽ chẳng nghe được.

Qua bài viết về, chúng ta đã hiểu được thêm nhiều thông tin bổ ích về Thánh địa Đức Mẹ La Vang. Nếu chúng ta đặt niềm tin vào Cha, vào Thiên Chúa, vào Mẹ Maria mỗi sự khó khăn đều có thể vượt qua nếu niềm tin trong chúng ta đủ lớn, để biến nỗi đau thành sức mạnh. Chỉ có vậy chúng ta mới có thể có cuộc sống đầy ơn phúc của Đức Mẹ Maria.

WikiLand xin cảm ơn mọi người đã đọc hết bài!

Xin Chúa, Mẹ Maria ban ơn lành cho tất cả chúng ta.

“Phúc cho ai không thấy mà tin”Amen.

 

5
(5 bình chọn)
Article Rating

Bài viết này thuộc quyền sở hữu của WikiLand.


https://ift.tt/4eBZLhR
February 26, 2024 at 01:17PM
#WikiLand #Wiki_Land #Bat_dong_san_WikiLand #Dia_oc_WikiLand #Bat_dong_san_Wiki_Land #Dia_oc_Wiki_Land #Bat-dong-san-nghi-duong #Phu_Quoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiến độ dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài - Có kịp thông xe 10/ 10/ 2024

via https://www.youtube.com/watch?v=gDALhmMLjig